Ung thư gan là một trong những loại ung thư phổ biến và có tỷ lệ tử vong cao, gây ra gánh nặng lớn cho y tế và xã hội.
Trong bối cảnh các phương pháp điều trị truyền thống như phẫu thuật và hóa trị không phải lúc nào cũng phù hợp hoặc hiệu quả, các kỹ thuật tiên tiến như Đốt sóng cao tần (RFA) và Nút mạch gan (TACE) đã xuất hiện như những giải pháp tiềm năng. Đây là các phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu, giúp tiêu diệt khối u tại chỗ và kiểm soát sự tiến triển của bệnh một cách hiệu quả, mang lại hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư gan.
Điều trị ung thư gan bằng phương pháp Đốt sóng cao tần (RFA)
Tổng quan về Đốt sóng cao tần (RFA)
Đốt sóng cao tần (RFA) là phương pháp chọc một thiết bị dạng kim vào ổ bệnh, nhiệt của sóng radio phát ra ở đầu kim sẽ làm hoại tử cục bộ vị trí ung thư. Ưu điểm nổi bật của phương pháp này là có thể tiếp cận khối u qua việc đâm kim từ phía ngoài của da sau khi đã xác định chính xác vị trí khối u qua siêu âm, từ đó góp phần giảm thiểu đáng kể gánh nặng lớn cho cơ thể.
Tỷ lệ tái phát sau điều trị của ung thư gan khá cao. Thực trạng cho thấy tỷ lệ tái phát trong vòng 5 năm dao động từ 70-80% dù người bệnh có thực hiện phẫu thuật chữa trị tận gốc. Do đó có thể nói phương pháp RFA có khả năng ức chế khối u cục bộ, tạo ít gánh nặng cho cơ thể là sự lựa chọn phù hợp cho việc tái điều trị ung thư gan.
Hiện nay, Nhật Bản có số ca điều trị bằng phương pháp Đốt sóng cao tần (RFA) cao nhất thế giới, gấp đến 2 lần so với quốc gia đứng vị trí thứ hai là Mỹ. Bên cạnh đó, RFA còn đạt thành thích khá nổi bật khi tỷ lệ sống còn sau 5 năm của bệnh nhân điều trị bằng RFA cũng không thua kém phương pháp điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối ung thư.
Một số câu hỏi liên quan đến Đốt sóng cao tần (RFA)
1. RFA áp dụng cho những trường hợp nào?
RFA thích hợp cho việc điều trị những vùng thương tổn kích thước dưới 3cm, những trường hợp ít hơn 3 vị trí thương tổn.
2. RFA có tác dụng phụ, có biến chứng không?
Có trường hợp sẽ xuất hiện những triệu chứng như sốt, đau bụng, xuất huyết, tổn thương đường ruột, suy gan, đau hoặc bỏng chỗ đâm kim, v.v… Vài giờ đồng hồ nghỉ ngơi sau điều trị là cần thiết.
Tỷ lệ xảy ra biến chứng khi thực hiện RFA tại Nhật Bản là 7.9%, trong khi đó tại các quốc gia khác là 8.9%. Tỷ lệ tử vong của RFA tại Nhật Bản là 0.3%, ở các quốc gia khác là 0.5%. Những con số trên đây phần nào thể hiện mức chênh lệch đáng kể ở trình độ thực hiện phương pháp này giữa Nhật Bản so với các quốc gia khác.
3. Thời gian thực hiện RFA trong bao lâu?
Thời gian thực hiện RFA thay đổi tùy thuộc và kích thước và số lượng khối u, nhưng về cơ bản sẽ dao động trong khoảng từ 1-2 tiếng.
4. Có để lại sẹo không?
Chỉ để lại sẹo nhỏ vài milimet là vết tích của vết đâm kim.
Điều trị ung thư gan bằng phương pháp Nút mạch gan (TACE)
Tổng quan về Nút mạch gan (TACE)
TACE là phương pháp bít nghẽn mạch máu vận chuyển chất dinh dưỡng đến vị trí khối u ung thư, hay nói cách khác là “cắt nguồn nuôi dưỡng nhân tạo”. Người bệnh sẽ được luồn ống từ vùng bẹn đến vị trí ung thư để đưa thuốc ngừa ung thư và chất làm nghẽn mạch máu vào cơ thể.
Việc làm bít tắc động mạch gan sẽ làm cản trở dòng chảy của máu đến vị trí khối u, và thuốc ngừa ung thư sẽ làm ức chế sự phát triển của các tế bào u ác tính. Đặc trưng lớn nhất của phương pháp này là có thể thực hiện mà không cần phải phẫu thuật mở bụng, nên hầu như không tạo gánh nặng đối với cơ thể người bệnh.
Phương pháp này được phát minh tại Nhật Bản vào năm 1977, và là một trong những phương pháp được lựa chọn nhiều nhất trong việc điều trị ung thư gan ngang hàng với phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn hay RFA. TACE có phạm vi áp dụng lớn, nên cũng có khả năng thực hiện trong những trường hợp bệnh nhân không phù hợp để làm phẫu thuật mở hoặc RFA.
Tỷ lệ sống còn 5 năm sau phẫu thuật lần đầu của TACE là 25.6%. Đã có nghiên cứu báo cáo rằng nếu thực hiện TACE sau khi đã điều trị bằng RFA thì sẽ có thể làm giảm khả năng tái phát cục bộ hơn so với các trường hợp chỉ thực hiện một phương pháp đơn lẻ.
Một số câu hỏi liên quan đến Nút mạch gan (TACE)
1. Đối tượng nào phù hợp để điều trị ung thư gan bằng TACE?
TACE thường được áp dụng cho bệnh nhân ung thư gan nguyên phát hoặc thứ phát trong giai đoạn trung gian (theo phân loại BCLC), khi khối u còn khu trú trong gan và chưa xâm lấn mạch máu lớn hoặc di căn xa. Những bệnh nhân không đủ điều kiện phẫu thuật cắt gan cũng có thể được chỉ định phương pháp này.
2. Ưu điểm của TACE là gì?
TACE có ưu điểm là xâm lấn tối thiểu, có thể tiêu diệt khối u hiệu quả tại chỗ và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
3. Nhược điểm của TACE là gì?
Phương pháp này có thể gây một số tác dụng phụ như đau, sốt, buồn nôn hoặc suy giảm chức năng gan tạm thời. Ngoài ra, TACE thường cần thực hiện nhiều lần để đạt kết quả tốt nhất.
4. TACE có thể thực hiện lại bao nhiêu lần?
Nút mạch gan (TACE) có thể lặp lại nhiều lần trong năm, miễn là đảm bảo về mặt kỹ thuật và người bệnh đủ sức khỏe để trải qua nhiều lần can thiệp.
Tổng kết
Phương pháp RFA và TACE đã mở ra những cơ hội mới trong điều trị ung thư gan, đặc biệt đối với những bệnh nhân không thể thực hiện phẫu thuật hoặc trong các giai đoạn đầu và trung gian của bệnh. Với khả năng xâm lấn tối thiểu, hiệu quả cao và ít biến chứng, hai phương pháp này không chỉ giúp kéo dài thời gian sống mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp phù hợp cần dựa trên tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân và sự tư vấn chuyên sâu từ các bác sĩ chuyên khoa. Với sự tiến bộ không ngừng của y học, RFA và TACE hứa hẹn sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong hành trình chiến đấu với căn bệnh ung thư gan.
HGT JAPAN liên kết với các bệnh viện quốc tế tại Nhật có thành tích cao trong chẩn đoán và điều trị ung thư. Hãy liên hệ với HGT JAPAN nếu quý khách hàng có nhu cầu khám, điều trị, thực hiện liệu pháp tế bào gốc, v.v… để được tư vấn và hỗ trợ về thủ tục visa y tế cũng như đăng ký lịch trình khám bệnh, phiên dịch y tế kết hợp du lịch, v.v… nhé!