Nhật Bản là một quốc gia có hệ thống y tế phát triển, đặc biệt chú trọng đến tiêm chủng nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Việc tiêm vắc-xin không chỉ giúp ngăn ngừa các bệnh nguy hiểm mà còn góp phần bảo vệ toàn xã hội. Qua bài viết này HGT JAPAN sẽ giới thiệu với các bạn các loại vắc-xin tiêm phòng phổ biến và cách tiếp cận dịch vụ tiêm chủng tại Nhật Bản.
Chương trình tiêm chủng quốc gia (定期接種-Teiki sesshu)
Đây là chương trình tiêm chủng miễn phí dành cho người dân Nhật Bản, áp dụng cho trẻ em và người lớn trong một số trường hợp nhất định. Các loại vắc-xin trong chương trình bao gồm:
- BCG (Phòng bệnh lao): Tiêm cho trẻ sơ sinh từ 5 đến 8 tháng tuổi.
- DPT (Bạch hầu, ho gà, uốn ván): Tiêm nhiều mũi từ khi trẻ 3 tháng tuổi.
- MR (Sởi – Rubella): Tiêm hai mũi, thường vào lúc 1 tuổi và trước khi vào tiểu học.
- Hib: Bảo vệ trẻ khỏi các bệnh do vi khuẩn cúm loại B gây ra.
- HPV (Phòng ung thư cổ tử cung): Khuyến khích tiêm cho trẻ em gái từ 12 đến 16 tuổi.
- Viêm gan B: Tiêm phòng để bảo vệ khỏi các biến chứng như xơ gan và ung thư gan.
- Phế cầu khuẩn: Phòng ngừa các bệnh lý do phế cầu gây ra như viêm phổi, viêm màng não, viêm tai, nhiễm trùng huyết,…
- Viêm não Nhật Bản: Phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng của não do vi-rút viêm não Nhật Bản (JEV) gây ra.
- Vắc-xin Polio: Phòng chống bại liệt ở trẻ nhỏ.
Các loại vắc-xin tự nguyện(任意接種-Nin.i Sesshu)
Ngoài chương trình miễn phí, người dân Nhật Bản có thể tự nguyện tiêm các loại vắc-xin khác với chi phí tự chi trả:
- Vắc-xin cúm mùa (IInfluenza): Tiêm hàng năm, đặc biệt khuyến khích cho trẻ nhỏ, người lớn tuổi, và người mắc bệnh mãn tính.
- Thủy đậu: Thường tiêm cho trẻ em hoặc người lớn chưa từng mắc bệnh.
- Vắc-xin ngừa virus rota: bảo vệ chống lại nhiễm rotavirus, là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy nặng ở trẻ nhỏ.
- Quai bị: Vắc-xin phòng ngừa an toàn bệnh quai bị.
- Phòng COVID-19: Hiện tại, Nhật Bản triển khai nhiều loại vắc-xin, bao gồm Pfizer, Moderna và Novavax.
Quy trình tiêm chủng tại Nhật Bản
Để tham gia tiêm phòng, bạn cần thực hiện các bước sau:
- Nhận thông báo từ chính quyền địa phương: Đối với chương trình tiêm chủng quốc gia, thông báo thường được gửi qua bưu điện.
- Đặt lịch hẹn tại cơ sở y tế: Hầu hết các trung tâm y tế địa phương hoặc phòng khám đều hỗ trợ tiêm chủng.
- Mang theo sổ tay mẹ và bé (母子手帳 – Boshi Techo): Đây là tài liệu quan trọng giúp bác sĩ theo dõi lịch sử tiêm phòng của bạn hoặc con bạn.
- Thực hiện khám sức khỏe trước tiêm: Bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe để đảm bảo bạn đủ điều kiện tiêm.
Lưu ý quan trọng khi tiêm vắc-xin
- Theo dõi phản ứng sau tiêm: Một số vắc-xin có thể gây sốt nhẹ, mẩn đỏ hoặc sưng đau tại chỗ tiêm. Nếu có dấu hiệu bất thường, hãy liên hệ ngay với cơ sở y tế để được đối ứng kịp thời.
- Không tiêm khi sức khỏe không đảm bảo: Nếu đang sốt cao, mắc bệnh cấp tính hoặc có tiền sử dị ứng nặng với vắc-xin thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Cập nhật lịch tiêm: Đảm bảo thực hiện đầy đủ các mũi tiêm để đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu.
Hỗ trợ cho người nước ngoài tại Nhật Bản
Nếu bạn là người nước ngoài sinh sống tại Nhật, bạn vẫn có quyền tham gia tiêm chủng như người bản địa. Các thông tin tiêm chủng thường được cung cấp bằng nhiều ngôn ngữ tại các cơ sở y tế lớn hoặc trung tâm hỗ trợ người nước ngoài. Hãy liên hệ với chính quyền địa phương để được hỗ trợ nhé.
Kết luận
Việc tiêm chủng là một trong những cách hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Dù bạn là người bản địa hay nước ngoài, hãy luôn tuân thủ lịch tiêm chủng và tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và cả những người xung quanh. Đừng ngần ngại liên hệ với trung tâm y tế tại địa phương để được giải đáp các thắc mắc liên quan đến vấn đề tiêm chủng phòng ngừa bệnh tật nhé!